Huyền thoại về căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước anh hùng
Lượt xem:
Thôn Hồng Phước (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) thời kỳ chống Mỹ, cứu nước có 71 hộ gia đình sống trong 64 nóc nhà – hầu hết đều là cơ sở cách mạng, là một điển hình trong công tác xây dựng “căn cứ lõm” trong chiến tranh.
Những nhân chứng lịch sử tìm hiểu mô hình sơ đồ chiến thuật trưng bày tại Khu di tích lịch sử cách mạng B1 Hồng Phước. |
Căn cứ lõm trong vòng kìm kẹp của địch
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử nhận định, vị trí địa lý độc đáo và huy động tốt sức mạnh của toàn dân là hai yếu tố cốt lõi nhất để căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước tồn tại từ năm 1960 cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngôi làng Hồng Phước đầy cát trắng nằm gần núi Thanh Vinh ở đúng vào vị trí ngã ba của con đường hành lang của ta từ vùng núi Hải Vân xuống, từ quận Nhì Đà Nẵng lên và từ Khu II Hòa Vang qua.
Dù nằm lọt hẳn trong hệ thống đồn bót của quân viễn chinh Mỹ và chính quyền Sài Gòn, Hồng Phước với mật danh B1 đã thầm lặng đóng góp rất lớn cho phong trào đấu tranh cách mạng trên quê hương Quảng Đà anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hoạt động của căn cứ Hồng Phước lấy yếu tố bí mật làm trọng. 46 hầm bí mật – mỗi căn hầm chọn nơi bất ngờ nhất trong nhà, trong vườn, kẻ địch khó phán đoán, tìm kiếm. Hầm bí mật là nơi che giấu mọi hoạt động của lực lượng kháng chiến.
Đặc biệt quan trọng hơn cả là nền tảng chính trị của quần chúng rất vững chắc. Mỗi người dân ở căn cứ Hồng Phước đều được giác ngộ và nhận thức sâu sắc trách nhiệm bảo vệ cách mạng, bảo vệ căn cứ dù phải hy sinh chính bản thân và gia đình mình. Vì thế, Hồng Phước xây dựng thành công, trở thành một làng thuần khiết cách mạng.
Căn cứ B1 Hồng Phước là một trong những “căn cứ lõm” nuôi giấu, che chở, bảo vệ cho các Đặc khu ủy viên Quảng Đà, Bí thư quận Nhì qua các thời kỳ như: Võ Thanh Hùng, Lê Thị Tính, Lê Quân; Tăng Ngọc Phương, Bí thư Khu I, Phó Bí thư quận Nhì; Hồ Phúc Ngôn, Quận đội phó quận Nhì, Tiểu đoàn trưởng 89 Đặc công; Phan Văn Tải, Quận ủy viên, Quận đội phó quận Nhì, phụ trách lực lượng biệt động và Đội trưởng Đội công tác phía trước; Nguyễn Thanh Tuấn, Mũi trưởng Biệt động, Trưởng ban Tác huấn, phụ trách công tác huấn luyện cách đánh địch cho các lực lượng vũ trang của quận Nhì và nhiều cán bộ về đứng chân hoạt động, xây dựng căn cứ Hồng Phước và bám trụ lãnh đạo phong trào trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong tất cả các trận đánh, căn cứ B1 Hồng Phước đóng vai trò rất quan trọng. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân căn cứ B1 Hồng Phước là lực lượng tham gia dẫn đường, trinh sát, nắm tình hình địch, bảo đảm cơm ăn, nước uống phục vụ bộ đội, du kích, tham gia chiến đấu, vận chuyển lương thực, vũ khí, thương binh, chôn cất liệt sĩ.
Khu tưởng niệm căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước được xây dựng từ tháng 3-2017. |
Những chiến công lẫy lừng
Các trận đánh xuất phát từ Hồng Phước trở thành những chiến công chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng và nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân và dân Quảng Nam-Đà Nẵng. Ngày 17-4-1966, Đại đội 1, Tiểu đoàn đặc công 489 Đà Nẵng, do Đại đội trưởng Hồ Phúc Ngôn chỉ huy tập kích tiêu diệt trận địa pháo binh của Tiểu đoàn pháo binh thuộc Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ tại Thanh Vinh, loại khỏi vòng chiến đấu 176 tên Mỹ, phá hủy 17 khẩu pháo, 10 xe kéo pháo và nhiều trang bị kỹ thuật khác.
Tháng 7-1967, trận đánh Tiểu đoàn xe tăng Mỹ tại Hố Chùa, Đa Phước, đã phá hủy 40 xe tăng, tiêu diệt 50 tên lính Mỹ. Trận đánh vào tổng kho hậu cần Bàu Mạc của quân Mỹ vào ngày 17-5-1968, Quận đội phó quận Nhì Phan Văn Tải, phụ trách căn cứ, cùng du kích mật Dương Tâm bí mật sử dụng thuốc nổ chế tạo thành mìn đột nhập vào vành đai Tổng kho Hậu cần của địch cài đặt 2 quả mìn trên con đường địch đang cày ủi, phá hủy 2 xe GMC, loại khỏi vòng chiến 31 tên địch.
Đêm 22-8-1972, Đại đội đặc công quận Nhì do Đặc khu ủy viên, Bí thư kiêm Quận đội trưởng quận Nhì Đặng Đình Vân và Hồ Phúc Ngôn phối hợp với Đại đội phó Đặng Ngọc Xảo và lực lượng tại căn cứ B1 Hồng Phước tổ chức tập kích Tỉnh đường Quảng Trị lưu vong và 1 đại đội công binh độc lập ngụy tại Bàu Tràm, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên địch. Nhằm cắt nguồn lương thực của địch chi viện cho các chiến trường miền Trung-Tây Nguyên, Đặc khu ủy Quảng Đà giao nhiệm vụ cho quận Nhì tổ chức đánh tiêu hủy kho gạo Hòa Khánh. Đây là mục tiêu rất khó tiếp cận, nằm trong khu vực căn cứ hậu cần của địch, được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt.
Ông Dương Thành Thị, lúc đó mới 12 tuổi, là con ông Dương Chương và bà Phạm Thị Dĩ, được Đội phó Đội công tác quận Nhì Nguyễn Bá Siêu giao nhiệm vụ tiếp cận kho gạo, nắm địch, vẽ sơ đồ thành công. Nhờ đó, trận đánh của ta đã tiêu diệt 1 trung đội lính địa phương quân ngụy bảo vệ kho gạo, khiến bọn địch nhiều phen khiếp vía.
Huyền thoại về ngọn đèn giao liên, hầm trú ẩn
Đầu làng phía tây bắc của thôn Hồng Phước nhìn lên núi Hải Vân và đầu làng phía nam trông vào núi Thanh Vinh. Hai đầu làng này là nơi các cơ sở cách mạng Hồng Phước sử dụng những ngọn đèn giao liên rất phù hợp, tiêu biểu và thành công nhất, chưa một lần xảy ra sự cố làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ ta từ căn cứ tây bắc Hòa Vang xuống quận Nhì Đà Nẵng.
Ngọn đèn của nhà bà Phạm Thị Dĩ và ông Dương Chương chưa một lần làm ám hiệu sai, góp phần bảo đảm lực lượng an toàn và hành lang thông suốt. Đó là một biểu tượng của tinh thần yêu nước, gắn với hình ảnh của những người phụ nữ là cơ sở giao liên của cách mạng.
Đặc biệt, giữa vòng vây và lùng sục ngày đêm của kẻ thù, các gia đình ở Hồng Phước đã đào 46 căn hầm bí mật, bao gồm những căn hầm bí mật hai tầng và nhất là những căn hầm bí mật đào sâu trong lòng cát, kiên cố, vững vàng để nuôi giấu, che chở cho cán bộ, chiến sĩ của ta hoạt động.
Tiêu biểu là gia đình bà Phạm Thị Miên có 7 căn hầm bí mật, gia đình bà Phạm Thị Dĩ và ông Dương Chương có 4 căn hầm bí mật, gia đình bà Hà Thị Mau có 4 căn hầm bí mật, gia đình bà Nguyễn Thị Liên có 3 căn hầm bí mật, gia đình bà Lê Thị Cảnh có 2 căn hầm bí mật ở sát đồn địch. Giá trị của các căn hầm bí mật này rất lớn, đó vừa là căn cứ, nơi trú ẩn, cũng là nơi đặt “bản doanh” của các lãnh đạo cấp trên và các lực lượng vũ trang về hoạt động tại cánh bắc Hòa Vang và quận Nhì Đà Nẵng.
Trung bình mỗi căn hầm bí mật các lực lượng vũ trang của ta ở từ 3 đến 5 người; nhất là những khi chuẩn bị cho các trận đánh, các chiến dịch phải đưa lực lượng từ căn cứ xuống, vượt qua vùng giáp ranh giữa ta và địch để về căn cứ B1 Hồng Phước, ém quân một thời gian nhất định, chờ giờ xuất quân.
Trong khí thế tiến công giải phóng Đà Nẵng, đúng 8 giờ 30 phút ngày 29-3-1975, khi bộ đội chủ lực của ta đã tiến vào Nam Ô, Xuân Thiều, lực lượng vũ trang và nhân dân căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước đã nổi dậy làm chủ, chiếm Hội đồng xã Hòa Khánh và kho gạo Xuân Thiều. Các đồng chí Phạm Đình Khôi, Dương Thành Thị trong đội công tác của B1 Hồng Phước đã chiếm lĩnh cơ quan Hội đồng xã của ngụy, hạ cờ “3 que” của địch xuống và treo cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên cột cờ ở trước sân Hội đồng.
Đây là lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên cột cờ đầu tiên tại một cơ quan ngụy quyền vừa được quân ta chiếm lĩnh ở Đà Nẵng trong ngày giải phóng thành phố. Từ thời điểm đó, quê hương Hồng Phước và xã Hòa Khánh được hoàn toàn giải phóng. Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang.
Ngày 26-4-2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Ngày 21-7-2018, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Liên Chiểu và quận Thanh Khê tổ chức trọng thể lễ đón nhận danh hiệu anh hùng mà Hồng Phước vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng. |
Bài và ảnh: DIỆU MINH – TRỌNG HÙNG (Báo Đà Nẵng điện tử)