TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG ĐUỐI NƯỚC ĐỐI VỚI TRẺ EM

Lượt xem:

Đọc bài viết

  1. 1. Tai nạn đuối nước

 Đuối nước là một dạng của ngạt, do nước bị hít vào phổi hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Khi ngạt nước, nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại theo phản xạ. Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu oxy máu, gây tăng nhịp tim, huyết áp. Hậu quả cuối cùng là nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong.

Khi bị đuối nước, khả năng tử vong rất cao hoặc có thể để lại di chứng tổn thương não nặng nề. Tuy nhiên nếu nạn nhân được sơ cứu kịp thời, tích cực và đúng phương pháp có khả năng được cứu sống.

Báo cáo của Bộ LĐTBXH gần đây đã cho thấy, mỗi năm tại Việt Nam, gần 3.000 trẻ em tử vong do đuối nước và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển ( cao thứ hai trên thế giới). Chỉ khoảng 30% trẻ em ở lứa tuổi tiểu học và THCS biết bơi… Tử vong do đuối nước ở trẻ em xảy ra chủ yếu tại cộng đồng (chiếm 77,6%), tại gia đình 22,4%.

2. Nguyên nhân gây đuối nước

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ.

Tai nạn đuối nước cũng một phần là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối.

Bên cạnh đó, cũng xảy ra trường hợp trẻ bị chết đuối do sự không an toàn của các môi trường sống xung quanh.

Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng: đó là khi các em cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên.

3. Các biện pháp phòng tránh đuối nước

Để phòng tránh đuối nước ở trẻ nhỏ vào mùa hè, các bậc cha mẹ, thầy cô cần có những biện pháp:

3.1. Cần đảm bảo sức khỏe con em mình có đảm bảo để có thể tham gia hoạt động bơi lội hay không? Nhiều bậc phụ huynh không biết rằng, không phải trẻ em nào cũng có thể học bơi.

Ví dụ như những em nhỏ mắc các bệnh hen phế quản; bệnh đường hô hấp mạn tính: Viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn; viêm da dị ứng…không nên xuống nước vì có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn, dẫn tới những tai nạn không mong muốn khi bơi.

Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi đi bơi phụ huynh cần lưu ý nên cho trẻ đi khám bác sỹ để quyết định trẻ có thể tham gia bơi lội không.

3.2. Bên cạnh đó, để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là dạy trẻ biết bơi. Các bậc cha mẹ cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em nhỏ như: cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi…Tuy nhiên, hiện nay việc dạy bơi cho trẻ chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, tình trạng thiếu bể bơi, thiếu kỹ thuật bơi căn bản cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc dạy trẻ kỹ năng này. Vì vậy, một giải pháp đó là các nhà trường có thể dạy kỹ năng bơi cho trẻ tại trường học như một chương trình bắt buộc.

3.3. Cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu.

3.4. Đối với các bể bơi, cần lưu ý các em chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ và đặc biệt phải tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Cần đảm bảo trẻ luôn mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.

3.5. Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục. Nhiều người thường nằm trên phao khi tắm biển. Điều này cũng khá nguy hiểm vì bạn sẽ dễ bị cuốn ra xa mà không biết, nhiều khả năng bạn sẽ bị sóng đánh úp, những cơn sóng dồn dập khiến bạn không biết xử lý như thế nào và sẽ bị uống nước nhiều, mất sức.

3.6. Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.

3.7. Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.

3.8. Tạo hành lang pháp lý phù hợp: Cần chỉ rõ đầu mối chịu tránh nhiệm mỗi khi có tai nạn xảy ra… từ đó có các chế tài hợp lý.

3.9. Khi phát hiện thấy người bị ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt… Hãy cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào. Như vậy, việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

3.10. Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, lập tức kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi, có dị vật cần móc ra ngay, rồi nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở. Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, cần hồi sức tim, phổi bằng cách: đặt nạn nhân nằm ngửa, hồi sức hô hấp bằng cách lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra. Tiếp tục làm thêm hai lần như vậy. Sau đó tiến hành ép tim lồng ngực bằng cách đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái và ép liên tục khoảng 30 lần. Luân phiên hai lần hồi sức hô hấp – 30 lần ép tim như vậy cho đến khi có nhân viên y tế hoặc người đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế.

4. Sơ cứu nạn nhân đuối nước:

– Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.

– Bước 2: Cho nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí và giữ ấm. Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.

Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngưng thở thì nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo: Đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ và nghiêng mình sang bên trái, dùng gạc hay khăn vải lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở miệng và mũi nạn nhân. Tiếp đến người cấp cứu cần thực hiện hà hơi thổi ngạt cho nạn nhân. Sau 5 lần hô hấp nhân tạo khi bắt mạch mà tim vẫn ngừng đập thì bước tiếp theo là phải ép tim ngoài lồng ngực.

– Bước 3: Sau khi hô hấp nhân tạo mà mạch vẫn ngừng đập, người cấp cứu cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo công thức 15:2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người thực hiện, hoặc 30/2 nếu có một người. Kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và nạn nhân thở trở lại.

– Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt họ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để tránh bị ngạt thở.

– Bước 5: Sau sơ cứu ban đầu, người bị đuối nước đã tỉnh lại, cần đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, mục đích xem nạn nhân có bị phù phổi cấp không. Cần lau khô người cho họ, thay quần áo và ủ ấm sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo./.

5. Khi xảy ra thiên tai, lũ lụt.

Ở vùng sông nước, lũ lụt, trẻ em dưới 5 tuổi có tỉ lệ đuối nước rất cao so với các lứa tuổi lớn hơn, phần lớn là do trẻ nhỏ bị ngã xuống nước khi ở nhà nổi, nhà sát cạnh sông hoặc cùng cha mẹ đi làm bằng thuyền, bè nổi… Gia đình cần lưu ý những biện pháp sau để bảo đảm an toàn.

5.1 Khi chưa có lũ.

Trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cho trẻ em, học sinh.Có kế hoạch lập điểm trông giữ trẻ tập trung, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ tuổi; vận động sự phối hợp, hỗ trợ từ cộng đồng trong việc tổ chức trông, chăm sóc trẻ em. Nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương phối hợp, xây dựng kế hoạch để tổ chức hướng dẫn, trang bị cho trẻ em, học sinh những kiến thức, kỹ năng phòng, tránh đuối nước. Dạy các em các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng tự nổi, kỹ năng bơi sống sót để ứng phó với các tình huống đuối nước bất ngờ xảy ra. Khuyến khích cha mẹ tự dạy bơi cho con em mình, dạy các kỹ năng thoát hiểm cho trẻ em (trên 4 tuổi).

5.2. Ngay trước lũ.

Địa phương có thiết lập hệ thống và thực hiện cảnh báo sớm thông tin về lũ lụt trong toàn dân của vùng lũ lụt. Tuyên truyền người dân làm theo hướng dẫn của chính quyền thông qua đài phát thanh, truyền hình và chỉ đạo trực tiếp để bảo đảm an toàn cho người dân. Do đó, các gia đình cần chia sẻ kịp thời thông tin chính thống với những người xung quanh.  Giữ mối liên hệ với cơ sở y tế, trạm cứu hộ gần nhất, người thân (số điện thoại, địa điểm, cách đến được khi có lũ lụt) để chia sẻ thông tin, hỗ trợ khi cần thiết. Gia cố nhà cửa, trường lớp, lắp đặt, gia công hàng rào, tay vịn để hạn chế trẻ em bị rơi xuống nước. Chuẩn bị phao cứu sinh, can nhựa, vật nổi,… củng cố sự an toàn của xuồng, thuyền, phương tiện đi lại trên nước. Buộc chặt tài sản cần thiết nhất để khỏi bị cuốn trôi. Giữ sách vở, đồ dùng học tập cùng tài liệu quan trọng trong túi nilon, treo cao ở nơi an toàn nhất.

5.3. Trong lũ

Xác định cách đi tới địa điểm an toàn cho trẻ em, học sinh khi cần di chuyển. Không di chuyển nhiều trên mặt nước, đặc biệt là vùng nước chảy xiết, sông lớn, cánh đồng rộng ngập nước. Nên đi theo tuyến đường có nhiều cây to, gần nơi dân đang sinh sống để thuận tiện nắm bắt thông tin, thuận tiện trong việc cứu hộ. Chú ý hơn đến việc trông nom, chăm sóc trẻ em để phòng tránh đuối nước tại nhà hoặc ở nơi sơ tán tránh lũ lụt. Sơ tán trẻ em đến nơi an toàn trong trường hợp cần thiết.

6. Một số thông điệp chính về nguy cơ khi có lũ lụt

Khi nước lũ mạnh, chảy xiết có thể làm cuốn trôi cây cối, ô tô và các vật thể lớn khác, tuyệt đối không được đi vào vùng nước chảy xiết, ngay cả khi nước cạn. Nước lũ thường đục, đi vào có thể dễ bị vào vùng nước sâu, vùng nước nguy hiểm. Đi trong nước lũ vô cùng nguy hiểm, chân có thể bị mắc kẹt bởi các vật thể dưới nước như nắp cống, dẫm phải các vật sắc, nhọn nguy hiểm khác dưới nước mà chúng ta không thể nhìn thấy được. Điện có thể truyền qua nước và gây nguy cơ chết người! Hãy chú ý ngắt tất cả các nguồn điện nếu nhà bị ngập.

7. Các nguyên tắc đảm bảo an toàn trong lũ lụt là:

Không đi vào vùng nước lũ. Cho dù nước không chảy nhưng có hại cho sức khỏe và có thể bị điện giật hoặc bị kẹt bởi các vật thể dưới chân. Tránh nước lũ bất cứ nơi nào có thể. Bất cứ khi nào ở trong hoặc gần vùng nước lũ, hãy luôn mặc áo phao để phòng trường hợp chúng ta không may bị rơi vào nước lũ. Luôn tuân theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Luôn sẵn sàng các kế hoạch như: di tản, chuẩn bị trước lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, kê cao đồ đạc/vật dụng có giá trị cao hơn mặt nước lũ để tránh.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG ĐUỐI NƯỚC, KỸ NĂNG TRÁNH BÃO LŨ VÀ TAI NẠN THƯƠNG TÍCH

(Tin và và bài: BÙI DUY QUÔC – Hiệu trưởng)